Bảo hiểm xã hội

 

tiet kiemTrong cuộc sống ở CH Séc phần lớn người Việt cư trú bằng hình thức kinh doanh, lao động và phải nộp tiền bảo hiểm xã hội theo pháp luật. Nhưng rất nhiều người không hiểu rõ và cũng không biết mình phải đóng thế nào, loại bảo hiểm gì và quyền lợi ra sao. Văn phòng xin tóm tắt để giúp quý khách hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Tại CH Séc theo pháp luật, mỗi công dân hay người nước ngoài có đủ điều kiện theo qui định, khi gặp khó khăn sẽ được đảm bảo cuộc sống bằng ba hệ thống tạo thành một tổng thể tương quan và bổ sung lẫn nhau đó là :

  1.  Bảo hiểm xã hội ( sociální pojištění )
  2. Hỗ trợ xã hội của nhà nước ( státní sociální podpora )
  3. Trợ giúp xã hội ( sociální pomoc )

1. Bảo hiểm xã hội chia làm 3 lĩnh vực :

  •  Bảo hiểm ốm đau ( nemocenské pojištění )
  • Bảo hiểm hưu trí (důchodové pojištění)
  • Đóng góp cho chính sách lao động của nhà nước (příspěvek na státní politiku zaměstnanosti)

 Bảo hiểm ốm đau ( nemocenské pojištění )

Bảo hiểm ốm đau đảm bảo cho người trong tuổi lao động một khoản tài chính nhất định trong thời gian ngắn khi mà người đó vì một lí do nào đó không làm việc được ví dụ như mất khả năng lao động do ốm đau, tai nạn, kiểm dịch, thai sản và nghỉ nuôi con, chăm sóc trẻ em…Tiền bảo hiểm trả định kỳ theo tháng, người lao động thì chủ lao động phải trả. Người đi kinh doanh thì tự mình trả cho mình và không bắt buộc cho nên phần lớn người Việt không tham gia và không trả loại bảo hiểm này.

Đối với người lao động thì bảo hiểm ốm đau là bắt buộc và được hưởng những quyền lợi sau :

  • Trợ cấp ốm đau khi có giấy chứng nhận tạm thời mất khả năng lao động của bác sỹ.
  • Trợ cấp điều dưỡng khi phải đi điều dưỡng, chăm sóc trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chăm sóc thành viên trong gia đình
  • Trợ cấp thai sản khi mang thai đến khi sinh
  • Phụ cấp chênh lệch mang thai và nghỉ phép nuôi con khi vì lý do mang thai, sinh nở và nghỉ phép nuôi con mà phải thuyên chuyển công việc hoặc bị giảm thu nhập vì chuyển việc.

 Bảo hiểm hưu trí (důchodové pojištění)

Bảo hiểm hưu trí đảm bảo cho người tham gia một khoản thu nhập nhất định khi về già, bị tàn tật, góa bụi hay mồ côi. Loại bảo hiểm này bắt buộc cho tất cả những người đang làm kinh tế. Đối với người Việt thì người nào đang kinh doanh, lao động thì phải đóng loại bảo hiểm này, còn lại như đi học, đoàn tụ gia đình, không có thu nhập, dừng kinh doanh… thì không phải đóng.

 Bảo hiểm hưu trí chia làm hai phần : phần cơ bản ( bắt buộc ) và phần tự nguyện

Bảo hiểm hưu trí cơ bản là bắt buộc và bao gồm lương hưu trí , tàn tật, góa bụi và mồ côi. Muốn nhận lương hưu trí phổ thông thì ví dụ đến năm 2014 phải tham gia đóng bảo hiểm ít nhất 30 năm và đủ tuổi về hưu ít nhất là 65 tuổi ( Cách tính tuổi về hưu và qui định thời gian tham gia đóng bảo hiểm hưu trí dài quá phạm vi bài viết này, xin quý khách tham khảo ở bài khác )

Bảo hiểm hưu trí tự nguyện là hình thức tiết kiệm hưu trí mà người tham gia tự nguyện và tự chọn quỹ hưu trí đang hoạt động trên lãnh thổ CH Séc. Phần này có thêm phụ cấp của nhà nước cho người tham gia bảo hiểm (thường là vài % theo mức đóng)

Đóng góp cho chính sách lao động của nhà nước (příspěvek na státní politiku zaměstnanosti)

Cùng với bảo hiểm hưu trí khoản đóng góp này bắt buộc cho người đang làm kinh tế ( kinh doanh, lao động) nhằm mục đích đảm bảo cho người trong độ tuổi lao động có một khoản trợ cấp khi không may bị thất nghiệp.

Tiền đóng góp trả định kỳ theo tháng, cho người lao động thì chủ lao động phải trả. Người đi kinhdoanh thì tự mình trả cho mình và không bắt buộc cho người tự nguyện đóng bảo hiểm hưu trí.

Người Việt mình thông thường là đi kinh doanh nên bảo hiểm xã hội đóng hàng tháng đó là bảo hiểm hưu trí + khoản đóng góp cho chính sách lao động của nhà nước. Loại tiền đóng bảo hiểm này là bắt buộc và tính theo % thu nhập( 29,2 % của ½ thu nhập). Để có thể hưởng chế độ thì như nêu trên quý khách phải đạt được độ tuổi về hưu và qui định về thời gian tham gia đóng bảo hiểm hưu trí vì vậy nếu chưa đủ thời gian mà thôi không đóng nữa hay về Việt nam thì coi như là mất bởi vì giữa CH Séc và Việt Nam không có hiệp định giao chuyển tiền đóng bảo hiểm xã hội.

2. Hỗ trợ xã hội của nhà nước ( státní sociální podpora )

Hỗ trợ xã hội của nhà nước hay như người Việt thường gọi là trợ cấp nhà nước nhằm mục đích hỗ trợ các gia đình, các cá nhân có trẻ em gặp khó khăn khi thu nhập gia đình không đủ sống.

 Quý khách có thể xin những khoản trợ cấp sau :

  •  Phụ cấp cho trẻ em ( người Việt quen gọi là lương con )
  • Phụ cấp cho bố mẹ ( người Việt quen gọi là lương mẹ )
  • Phụ phí xã hội ( người Việt quen gọi là trợ cấp khó khăn )
  • Phụ cấp nhà ở ( người Việt quen gọi là trợ cấp nhà ở )
  • Trợ cấp chăm sóc nuôi dưỡng
  • Trợ cấp sinh nở ( người Việt quen gọi là tiền kočárek )
  • Trợ cấp mai táng

Các điều kiện cần thiết, giấy tờ, thủ tục để đệ đơn xin trợ cấp quý khách xem ở phần Dịch vụ khác hoặc tư vấn tham khảo tại văn phòng.

3. Trợ giúp xã hội ( sociální pomoc )

Trợ giúp xã hội là trợ giúp cho hoàn cảnh vật chất khó khăn, cung cấp các dịch vụ xã hội, phụ cấp chăm sóc và trợ cấp chăm sóc xã hội cho những người khuyết tật sức khỏe.

Trợ giúp xã hội bao gồm :

  •  Phụ cấp sinh hoạt khi khó khăn vật chất không đủ thu nhập
  • Phụ cấp chênh lệch nhà ở
  • Trợ giúp đặc biệt tức thời
  • Dịch vụ xã hội bao gồm nhiều dịch vụ như khu nhà tị nạn, trung tâm liên hệ, cấp cứu, can thiệp …
  • Phụ cấp chăm sóc trợ cấp chăm sóc xã hội cho những người bệnh tật dài hạn.

Các điều kiện cần thiết, giấy tờ, thủ tục để đệ đơn xin trợ cấp quý khách xem ở phần Dịch vụ khác hoặc tư vấn tham khảo tại văn phòng.

Một số lưu ý cho quý khách :

Qua kinh nghiệm nhiều năm làm việc văn phòng xin chia sẻ một số kinh nghiệm sau :

  1. Quý khách lưu ý tránh nhầm lẫn vì tiền bảo hiểm xã hội quý khách đóng khi đi kinh doanh hay đi làm là tiền bảo hiểm hưu trí nên quyền lợi chỉ có khi mình đạt được độ tuổi về hưu và qui định về thời gian tham gia đóng bảo hiểm.
  2. Nếu quý khách có kinh doanh thì nhớ báo người khai thuế thu nhập cuối năm để lấy và nộp tờ khai ( přehled ) cho phòng bảo hiểm sau vụ thuế.
  3. Đang kinh doanh vẫn xin được trợ cấp khi sinh nở không cần dừng kinh doanh cho nên người nào đang cư trú theo mục đích kinh doanh thì khi sinh nở không nên dừng kinh doanh, chỉ tiết kiệm được tiền bảo hiểm xã hội nhưng sẽ bị Sở di trú, bộ nội vụ hủy cư trú.

 

Bài viết cùng chuyên mục

Gửi bình luận

Cư trú nói chung