Trường Mẫu giáo tư thục Duy An (phường 16, quận Gò Vấp, TPHCM) dán thông báo: “Trường MGTT Duy An xin chân thành cảm ơn quý phụ huynh đã tín nhiệm gửi các cháu đến học tại trường từ nhiều năm qua. Tuy vậy, trong dịp 20.11 này, nhà trường xin không nhận tất cả các loại quà, dù là bất cứ hình thức nào. Xin quý vị phụ huynh thông cảm”.
Một bảng thông báo nhỏ của một trường mẫu giáo nhỏ, nhưng gợi lên nhiều suy nghĩ không nhỏ chút nào.
Đã từ lâu, ngày nhà giáo là dịp để phụ huynh quà cáp cho thầy-cô giáo. Mục đích của tặng quà là để cho cô giáo quan tâm đến con cái của mình hơn. Có những giáo viên xem ngày nhà giáo là dịp để “thu hoạch”, nhưng đa số cảm thấy buồn lòng vì chuyện phụ huynh tặng phong bì như một hình thức “hối lộ” cho con cái họ. Đối với đa số giáo viên, ngày nhà giáo là một ngày rất ý nghĩa và thiêng liêng. Họ rất vui khi học trò đến thăm với những bó hoa tươi và tấm lòng yêu mến. Cho nên, có nhiều thầy-cô tuyệt đối không nhận quà để giữ đạo thầy trò, họ thể hiện sự tự trọng và tôn trọng nghề nghiệp của mình.
Cũng có những trường hợp phụ huynh tặng quà cho thầy-cô là vì bày tỏ tình cảm, biết ơn. Không phải món quà nào cũng vì mục đích xấu. Người Việt trọng lễ nghĩa, tặng một món quà đôi khi chỉ vì một chữ “lễ”.
Tuy nhiên trước đây, chuyện phong bì cho thầy-cô giáo không hề có. Thầy-cô tuy nghèo, nhưng giữ được cốt cách, tự trọng nghề nghiệp.
Nhưng ngày nay, cái phong bì nó len vào trong ngành nghề thiêng liêng này từ lúc nào không biết. Người ta xem nghề giáo như mọi nghề khác. Có tiền là xong hết, vào nhà thương đưa phong bì thì vào nhà trường cũng phong bì cho nó nhanh.
Tặng quà ngày lễ kỷ niệm nhà giáo chưa ăn thua. Chuyện phong bì diễn ra hằng ngày, trong nhiều ngôi trường của đất nước này. Phụ huynh chạy tiền cho con mình vào trường, rồi chạy tiền cho con mình lên lớp. Sinh viên ngành sư phạm ra trường, chạy một chân giáo viên mất vài chục đến vài trăm triệu đồng. Bước vào đời với một đòn “chí tử” như vậy, giữ được sự trong sáng quả thật vô cùng khó khăn.
Sinh viên ở trong giảng đường, lấy tiền, lấy tình để đổi điểm. Chuyện này không phải lời đồn mà có thực, không quá phổ biến nhưng cũng không ít. Có người là nạn nhân, có người chứng kiến những chuyện như vậy, thử hỏi còn gì niềm tin. Những sinh viên này về sau làm thầy-cô giáo, sẽ dễ dàng nhận chiếc phong bì như họ đã từng đưa. Có thể họ biết rằng, việc làm như vậy là xấu xa, nhưng cả xã hội đều làm điều xấu xa đó, nên chẳng cần phải mệt óc suy nghĩ.
Xin cảm ơn cái thông báo của Trường Mẫu giáo Duy An, nó như một bó hoa tươi chúc mừng ngày nhà giáo và đánh động đến lương tâm của nhiều người, không phải chỉ riêng với ngành giáo dục.
Theo laodong.com.vn
Gửi bình luận